Làm chủ biến động Vnindex - Đón đầu cơ hội bằng chìa khóa 'General Liquidity'
Tại sao tỷ giá và lãi suất lại có mối liên hệ với thị trường chứng khoán, và Tại sao chúng luôn được nhắc đến khi phân tích thị trường?
Trong bài viết này sẽ giải thích cho Anh Chị NĐT những vấn đề: Vì sao tỷ giá và lãi suất luôn có mối liên hệ mật thiết với thị trường chứng khoán và thường xuyên được nhắc đến trong phân tích thị trường? Để hiểu rõ điều này, chúng ta cần nắm khái niệm “Thanh khoản chung” (General Liquidity) như nào? Đây là chỉ số phản ánh mức độ lưu thông tiền tệ trong toàn bộ thị trường, bao gồm các lĩnh vực như cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ và các công cụ tài chính khác. Thanh khoản chung chính là yếu tố cốt lõi quyết định dòng tiền và ảnh hưởng trực tiếp đến sự biến động của thị trường chứng khoán.
Ảnh hưởng đa chiều của General Liquidity
Thanh khoản chung (General Liquidity) là một khái niệm thể hiện sự luân chuyển dòng tiền trong nền kinh tế, có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều yếu tố khác nhau. Nó vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của các biến động kinh tế, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống tài chính như thị trường cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ. Tham khảo thêm
Trong dài hạn, thanh khoản chung chủ yếu chịu ảnh hưởng từ hai nguồn chính:
Nội suy (Endogenous liquidity): Đây là dòng tiền được tạo ra từ bên trong nền kinh tế thông qua hoạt động tín dụng. Các ngân hàng và tổ chức tài chính nội địa điều tiết dòng tiền bằng cách cho vay, từ đó ảnh hưởng đến lượng tiền lưu thông trên thị trường. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) có thể kiểm soát thanh khoản nội suy bằng cách điều chỉnh room tín dụng – tức hạn mức cho vay đối với toàn hệ thống.
Ngoại suy (Exogenous liquidity): Đây là dòng tiền đến từ bên ngoài nền kinh tế thông qua các luồng vốn quốc tế (Inflow/Outflow). Nó chịu tác động của các yếu tố như tỷ giá hối đoái, lãi suất toàn cầu và điều kiện thị trường tài chính quốc tế. Khác với thanh khoản nội suy, SBV không thể kiểm soát trực tiếp dòng tiền này, vì nó phụ thuộc vào môi trường đầu tư trong nước, mức độ ổn định tài chính và chính sách tiền tệ của các quốc gia khác.
Mối quan hệ giữa nội suy và ngoại suy: Hai yếu tố này tuy độc lập nhưng có sự tương tác qua lại. Ví dụ, khi dòng vốn ngoại suy chảy mạnh vào nền kinh tế (Inflow), thanh khoản tăng lên, lãi suất giảm, từ đó khuyến khích tín dụng nội suy mở rộng. Ngược lại, nếu dòng vốn rút ra (Outflow), tỷ giá có xu hướng tăng, buộc các ngân hàng phải siết chặt tín dụng hoặc tăng lãi suất để ổn định thanh khoản. Hiểu rõ mối quan hệ này giúp chúng ta nhận diện các yếu tố tác động đến thanh khoản chung và thị trường tài chính trong từng thời điểm.
Vì vậy, General Liquidity có khả năng ảnh hưởng đến cả thị trường chứng khoán và thị trường tài chính thông qua sự điều chỉnh cung tiền và tín dụng. Sự biến động mạnh mẽ của dòng tiền vào (inflow) và ra (outflow) có thể khiến thị trường trở nên nhạy cảm và dễ dao động.
Nội suy và lãi suất
Khi Ngân hàng Nhà nước (SBV) quyết định nới room tín dụng – tức là tăng hạn mức cho vay cho các ngân hàng – điều này không có nghĩa là thanh khoản trên thị trường sẽ dồi dào ngay lập tức hay lãi suất sẽ giảm. Thực tế, việc nới room tín dụng có thể gây thêm áp lực lên khả năng thanh khoản của các ngân hàng. Xem thêm về việc TT02.
Lý do là mỗi ngân hàng đều phải tuân thủ các quy định về an toàn tài chính, bao gồm tỷ lệ thanh khoản và tỷ lệ an toàn vốn. Việc mở room tín dụng cho phép ngân hàng cho vay nhiều hơn, nhưng đồng thời họ phải đảm bảo có đủ tiền để chi trả khi khách hàng rút tiền hoặc thực hiện các nghĩa vụ thanh toán. Nói cách khác, dù được phép cho vay thêm, ngân hàng vẫn phải cẩn trọng trong việc quản lý dòng tiền để tránh tình trạng thiếu vốn.
Hơn nữa, khi room tín dụng được mở rộng, dòng tiền trong hệ thống không tự nhiên tăng lên. Để đáp ứng nhu cầu vốn cho vay mới, các ngân hàng cần huy động thêm tiền từ nhiều nguồn khác như phát hành trái phiếu, tăng lãi suất huy động hoặc vay mượn từ tổ chức khác. Những biện pháp này có thể làm chi phí vốn của ngân hàng tăng lên, khiến lãi suất cho vay khó giảm, thậm chí còn có thể tăng.
Vì vậy, mở room tín dụng tuy tạo điều kiện để ngân hàng cho vay nhiều hơn, nhưng cũng mang theo thách thức lớn trong việc quản lý thanh khoản và duy trì ổn định lãi suất. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn tài chính và tránh rủi ro hệ thống..
Tỷ giá tăng và tác động lên thanh khoản
Tỷ giá không bao giờ là chủ đề đơn giản. Nếu tỷ giá tăng chỉ vì có nhiều VND hơn trong hệ thống (ví dụ như khi KBNN tăng chi tiêu và mua USD như đợt tháng 9 - tháng 10/2024), thì nguyên nhân có thể dễ dàng xác định. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ giá là kết quả của sự vận động liên tục của các dòng tiền vào và ra (in-out) liên tục. Nếu lượng VND tăng lên đi kèm với việc USD trong hệ thống cũng tăng, thì việc tỷ giá nhích lên là hoàn toàn bình thường. Lúc này, tỷ giá tăng không phải do dòng tiền "ròng" chảy ra (net-out), mà chỉ vì lượng VND trong hệ thống tăng nhanh hơn so với USD.
Ví dụ: Giả sử trong hệ thống có 1.500 VND và 10 USD, khi đó tỷ giá sẽ là 1 USD = 150 VND. Nếu lượng VND tăng lên 3.000, nhưng USD chỉ tăng nhẹ lên 12 USD, thì tỷ giá lúc này sẽ là 1 USD = 250 VND. Trong trường hợp này, tỷ giá tăng không phải vì dòng USD rút ra khỏi hệ thống, mà đơn giản là vì lượng VND tăng mạnh hơn so với USD. Điều này cho thấy tỷ giá có thể biến động ngay cả khi không có áp lực "ròng" từ dòng tiền ngoại tệ chảy ra ngoài.
Tuy nhiên, câu chuyện trở nên khác khi tỷ giá tăng do dòng tiền ngoại tệ chảy ra khỏi thị trường trong nước (outflow). Khi nhu cầu mua ngoại tệ như USD tăng cao, đặc biệt khi các nhà đầu tư rút vốn, áp lực lên tỷ giá sẽ xuất hiện. Dòng tiền rời khỏi thị trường sẽ làm giảm lượng tiền lưu thông trong nước, gây ra tình trạng thiếu hụt thanh khoản. Hệ quả là các ngân hàng và hệ thống tài chính phải đối mặt với áp lực lớn trong việc đảm bảo nguồn vốn, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cung cấp tiền cho nền kinh tế.
Cụ thể:
Suy giảm tiền gửi tại ngân hàng (Deposit): Khi dòng vốn chảy ra nước ngoài, lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng nội địa giảm đáng kể. Điều này buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất để thu hút dòng tiền quay lại, nhằm đảm bảo thanh khoản và duy trì hoạt động ổn định.
Tăng lãi suất: Việc các ngân hàng đẩy lãi suất lên cao để cạnh tranh và giữ chân nguồn vốn tạo ra những hệ lụy lan tỏa, đặc biệt ảnh hưởng đến doanh nghiệp và thị trường chứng khoán thông qua các kênh chính sau:
Tâm lý nhà đầu tư: Lãi suất cao khiến nhà đầu tư lo ngại hơn khi chi phí vay vốn tăng lên. Họ sẽ yêu cầu mức lợi nhuận cao hơn để bù đắp rủi ro, hoặc có thể chuyển hướng dòng tiền sang các kênh đầu tư an toàn hơn như gửi tiết kiệm hoặc trái phiếu chính phủ. Điều này làm giảm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán.
Định giá cổ phiếu: Khi lãi suất tăng, chi phí vốn (cost of capital) của doanh nghiệp cũng tăng theo. Điều này làm giảm giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai mà doanh nghiệp kỳ vọng tạo ra, kéo theo định giá cổ phiếu giảm xuống.
Chi phí vốn thực tế: Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều hạn chế và vấn đề pháp lý chưa được giải quyết triệt để, việc vay vốn trở nên đắt đỏ hơn. Điều này tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay cao, khiến chi phí tài chính leo thang và ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Tóm lại, tỷ giá và thanh khoản có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi tỷ giá tăng, nó có thể kích hoạt một loạt hiệu ứng domino, làm suy giảm thanh khoản trong nền kinh tế và tạo áp lực lên các thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán.
Cập nhật về tình hình tỷ giá:
Tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng hiện đang ở quanh mức 25.300 - 25.400 đã tiệm cận gần vùng bán của SBV tại 25.450
Với mức này thì VND từ đầu năm đến nay đã trượt giá xấp xỉ 5%. USD/VND đã ghi nhận tăng trở lại khoảng 3.5% từ cuối tháng 9 tới hiện tại.
Với diễn biến hiện tại của tỷ giá, thì việc SBV nâng sức hút Bill hay call OMO để điều tiết tiền tệ là điều hiển nhiên:
Chênh lệch lãi suất danh nghĩa giữa VND / USD vẫn đang âm trong kì hạn ngắn nhưng đã dương trở lại trong kì hạn dài. Thực tế, FX Swap hiện nay ở kỳ hạn ON đang là -0.4 còn 3W là 0.3 hay các kì hạn dài hơn 9M 0.4 và 1Y 0.4 (số liệu 13/12).
Lượng tiền Citad hiện trong tháng 12 tầm 300-350k tỷ => lượng VND vẫn dư thừa tương đối.
Quan điểm cá nhân: Theo quan điểm cá nhân, khi tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng tăng vượt mốc 25.450, Ngân hàng Nhà nước (SBV) chỉ tiến hành bán USD và đi kèm tiếp việc phát hành tín phiếu (call Bill) như hiện tại nhằm kiểm soát thanh khoản để chờ thêm dòng tiền Inflow; sẽ không có TĂNG LÃI SUẤT điều hành (nếu có chỉ là TĂNG LÃI SUẤT TT2). Điều này xuất phát từ việc mức trượt giá khi đó đã vượt ngưỡng 5% mức bình quân được chấp nhận hàng năm. Đồng thời, động thái này còn có thể được xem là biện pháp điều chỉnh lượng VND đang dư thừa trên thị trường hiện tại.
Cơ bản thì đây chỉ là yếu tố ngắn hạn (thời vụ) và nó cũng chưa đến mức GẮT trên vĩ mô hay trên thị trường nên nó chỉ tác động mặt tâm lý hiện tại, chỉ là hiện tại SBV đang chờ dòng tiền Inflow như FDI hay kiều hối vào Việt Nam để hạ nhiệt và ổn định tỷ giá trong nước.